Với hàng triệu ha mặt nước nội đồng, 3.260 km bờ biển và khu vực kinh tế chuyên canh rộng lớn đã mang đến cho Việt Nam tiềm năng to lớn để phát triển nghề cá và nuôi trồng thủy sản. Sản lượng thủy sản Việt Nam đứng hàng đầu về cá tra, thứ ba về tôm nuôi và thủy sản nuôi trồng khác, đứng thứ 7 về tổng sản lượng thủy hải bao gồm đánh bắt. 90% diện tích nuôi trồng Việt Nam và 70% sản lượng tập trung ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tôm sú chiếm 81% tổng sản lượng tôm nuôi trồng và tôm thẻ chân trắng chiếm 19% còn lại.
AHPNS
Bệnh là trở ngại lớn nhất cho nghề nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là hội chứng chết sớm EMS/AHPNS xuất hiện từ năm 2010 tại các tỉnh nuôi tôm ven biển Việt Nam. Năm 2011 và 2012, AHPNS tiếp tục là nguyên nhân chính gây ra tỷ lệ chết cao từ đồng bằng sông Cửu Long đến các tỉnh nuôi tôm ven biển Miền Trung và Miền Bắc.
Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng nghiêm trọng trong khoảng thời gian từ tháng 4 – 7. Bệnh ảnh hưởng trên tôm sú lẫn tôm thẻ chân trắng, tập trung ở những vùng, khu vực nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh. Tỷ lệ mắc phải AHPNS dường như cao hơn ở những vùng có độ mặn cao và nhiệt độ cao trong mùa khô.
THU MẪU
Nghiên cứu được hỗ trợ bởi Tổng cục thủy sản, Bộ NN và PTNT Việt Nam và tổ chức lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO), các tác giả đã tiến hành thu mẫu tôm từ các ao nuôi bị bệnh tại các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang từ tháng 03 đến tháng 09 năm 2012, tuy nhiên chỉ có 56 ao được ghi nhận có nhiễm AHPNS.
Các dấu hiệu bệnh khác nhau được ghi nhận tại ao nuôi. Tôm bệnh bỏ ăn và tấp mé. Tôm chết được tìm thấy ở đáy ao nuôi từ 10 – 45 ngày sau khi thả nuôi. Tôm bệnh có các triệu chứng lâm sàng như hệ gan tụy bị teo, tái nhợt hoặc trắng, đường ruột đứt khúc (discontinuous contents in the gut) hoặc hoàn toàn không có thức ăn. Tỷ lệ chết lên đến 60% từ 03 – 07 ngày sau khi xuất hiện các dấu hiệu lâm sàng.
KẾT QUẢ
Kiểm tra mô học những mẫu tôm yếu cho thấy biểu hiện thông thường của AHPNS như hoạt động bất thường của các tế bào gan tụy, bong tróc tế bào biểu mô, sự gia tăng tế bào bạch cầu và những ống nhỏ có sự hiện diện của vibrio.
Phương pháp nhuộm gram soi tươi mô gan tụy của những con tôm bị nhiễm bệnh cho thấy sự hiện diên của những vi khuẩn gram âm hình que. Có 42 mẫu vi khuẩn – xác định đến mức độ loài – được phân lập từ mô gan tụy của những con tôm có triệu chứng điển hình của AHPNS
Những vi khuẩn này là vi khuẩn gram âm hình que ngắn, phản ứng dương tính với oxidase, catalase, oxi hóa và lên men đường glucose. Chúng thể hiện khuẩn lạc màu xanh, tròn, mặt lồi trong môi trường TCBS (thiosulphate citrate bile salt agar) với đường kính từ 2 – 3 mm. Trong số những vi khuẩn được phân lập này, một là Vibrio alginolyticus, một là Vibrio fluvialis, một là Vibrio vulfinicus và 39 mẫu vi khuẩn phân lập còn lại là Vibrio parahaemolyticus được xác nhận bằng bằng chuỗi rRNS 16S. Tất cả Vibrio parahaemolyticus phân lập được đều có hiện tượng dung huyết sau 02 ngày nuôi cấy trên đĩa thạch máu. Ba mẫu phân lập trong số chúng phát hiện có nhiễm phage.
Mẫu nước cũng được thu từ những ao nuôi bị nhiễm bệnh, các chỉ tiêu môi trường được kiểm tra cho thấy chất lượng nước không phải là nguyên nhân chính gây ra tình trạng bệnh. Hàm lượng amonia, nitrit và sufide đều nằm trong ngưỡng cho phép ở tất cả các ao.
Dư lượng thuốc trừ sâu như Cypermethrine và Deltamethrine cũng được kiểm tra trong các ao nuôi có và không bị bệnh. Tuy nhiên, các nghiên cứu thực nghiệm đánh giá ảnh hưởng của chúng cho thấy rằng không có dấu hiện bệnh đặc trưng của AHPNS trong mô bệnh học của những con tôm phơi nhiễm với dư lượng thuốc trừ sâu.
CẢM NHIỄM (Challenge effects)
Thử nghiệm cảm nhiễm bằng cách ngâm tôm thẻ chân trắng P15 khỏe mạnh trong dịch chiết gan tụy của những con tôm nhiễm AHPNS được lọc qua màng 0,22 µm pha loảng 10 lần cho kết quả âm tính AHPNS sau 7, 14 và 21 ngày. Kết quả cũng tương tự như vậy với biện pháp tiêm cơ bằng dịch chiết gan tụy tôm bị nhiễm AHPNS lọc quan màng 0,22 µm và 0,45 µm và cho ăn cả đầu hoặc gan tụy tôm bị nhiễm AHPNS sau 14 ngày thử nghiệm.
Nghiên cứu cảm nhiễm với tôm chân trắng ở mật độ 104, 105 và 106 CFU/g cho thấy rằng dòng Vibrio parhaemolyticus mang phage là nguyên nhân gây bệnh AHPNS, dấu hiệu bệnh tương tự như những con tôm thu từ những ao bị bệnh với kết quả thu được sau 09 ngày cảm nhiễm ở mức 105 CFU/g và 06 ngày cảm nhiễm ở mức 106 CFU/g.
Hiện nay, các tác giả vẫn đang tiếp tục thử nghiệm với biện pháp cảm nhiểm bằng cách cho cho ăn và nuôi chung với tôm bị nhiễm AHPNS.
Tác giả:
– Tiến sỹ Đặng Thị Hoàng Oanh – Bộ môn bệnh học thủy sản – Khoa Thủy Sản – Trường Đại học Cần Thơ. Email: dthoanh@ctu.edu.vn
– Tiến sỹ Trương Quốc Phú – Tiến Sỹ Nguyễn Thanh Phương – Bộ mộn bệnh học thủy sản – Khoa thủy sản – Trường Đại học Cần Thơ.
– Tiến Sỹ Phạm Anh Tuấn – Tổng cục thủy sản – Hà Nội – Việt Nam.
Nguồn: THE ADVOCATE July/August 2013 – The Global Magazine for Farmed Seafood.
Người dịch: KS NGUYỄN THÀNH QUANG THUẬN – Công ty VinhthinhBiostadt