Bệnh hoại tử cơ trên tôm (INMV)

Bệnh hoại tử cơ (IMN) được phát hiện đầu tiên ở Brazil (Piaui State) vào năm 2002 trên tôm thẻ chân trắng, Litopenaeus vannamei tiền trưởng thành (juvenile). Từ năm 2004, hầu hết các trang trại nuôi tôm ở vùng đông bắc Brazil đều bị lây nhiễm bệnh này và gây chết tôm trên diện rộng. Sau đó, vào năm 2006, bệnh này được xác định nguyên nhân do virus thuộc họ Totiviridae và ngày nay thường được biết với tên gọi là bệnh họa tử cơ do virus (INMV). 

Hình 1: Bệnh INMV ở giai đoạn đầu: các vùng mờ đục xuất hiện trên các đột bụng của tôm (Ảnh: Alitiene Lemos Pereira, EMBRAPA)

Dấu hiệu lâm sàng của bệnh là sự xuất hiện vùng mờ đục màu trắng ở đốt bụng cuối cùng của tôm (Hình 1). Khi bệnh nặng hơn, hầu hết các đốt bụng của tôm chuyển sang màu trắng đục hoặc thậm chí có màu cam khi cơ tôm bị hoại tử hoàn toàn (Hình 2, Hình 3). Bệnh này làm cho tôm chậm lớn và gây chết tôm (khoảng 2-5%/ngày), tỷ lệ chết dồn tích khoảng 70%. Bệnh thường tìm thấy trên tôm có trọng lượng trung bình khoảng 6 g hoặc nhỏ hơn, phụ thuộc vào cường độ lây nhiễm của bệnh.

Hình 2: Tôm nhiễm bệnh nặng, đốt bụng cuối của tôm chuyển sang màu cam (Ảnh: Alitiene Lemos Pereira, EMBRAPA) 

Tôm nhiễm bệnh này có cơ quan lymphoid to hơn bình thường. Tùy thuộc vào cường độ nhiễm của virus và điều kiện môi trường nuôi mà bệnh có thể xuất hiện trên tôm từ 3 g (chết lượng nước kém) hoặc 10 g (điều kiện môi trường nuôi tốt hơn). Có một điều thú vị đối với bệnh này so với các bệnh do virus khác là các triệu chứng của bệnh có thể giảm đi khi áp dụng một số biện pháp cải thiện môi trường nước nuôi như thay nước mới hay nâng cao hàm lượng oxy hòa tan trong ao.

Hình 3: Tôm thẻ nhiễm bệnh với các vùng hoại tử trên cơ có màu trắng đục (Ảnh: Dr. Chalor Limsuwan)

Bệnh hoại tử cơ có thể chuẩn đoán bằng các phương pháp như mô bệnh học, lai in situ hoặc PCR. Tuy nhiên, hiện tại đã có bộ kit phân tử dùng để chuẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm trên tôm giống và tôm tiền trường thành thu từ ao nuôi. Kỹ thuật chuẩn đoán này giúp cho người nuôi tôm sớm loại bỏ tôm giống nhiễm bệnh hoặc tôm bị nhiễm ở giai đoạn sớm trong ao nuôi nhằm tránh thiệt hại. 

Triệu Thanh Tuấn, www.aquanetviet.org

Source: Luis Vinatea Arana, PhD. The infectius myonecrosis (IMN). Marine Shrimp Laboratory, Agricultural Science Center, Universidade Federal de Santa Catarina, Brasil. NICOVITA.