Phương pháp kiểm soát bệnh Taura trong nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng

Tóm tắt

Bài viết này mô tả các phương pháp nhằm làm giảm thiệt hại do bệnh Taura (TSV) trên tôm thẻ chân trắng, Litopenaeus vannamei. Hướng xử lý dựa trên việc ngăn chặn tôm lột xác bằng cách không thay nước, không cho tôm ăn hoặc giảm lượng thức ăn cho tôm ăn, duy trì giá trị pH > 8.0 và tránh sử dụng hóa chất trong ao nuôi tôm khi dịch bệnh xảy ra. Bài viết này trình bày kết quả xử lý bệnh Taura trong hệ thống nuôi tôm thẻ thâm canh ở đảo Naozhou, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Giới thiệu

Hội chứng Taura do virus (TSV) được báo cáo đầu tiên ở Ecuador vào năm 1992 làm chết tôm với tỷ lệ cao. Sau đó, hàng loạt các biện pháp ngăn chặn bệnh này được tiến hành. Bệnh TSV hiện tại lây lan khắp các nước có ngành công nghiệp nuôi tôm trên thế giới. Bằng các giải pháp chọn lọc di truyền, các nhà khoa học đã thành công trong việc tạo ra giống tôm thẻ có khả năng đề kháng với bệnh Taura ở Thái Lan và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, không có một qui trình thực tế nào trong việc xử lý hay “điều trị” TSV khi tôm mắc bệnh và bắt đầu chết.

Mô tả bệnh lý

Hội chứng Taura được báo cáo trên tất cả các giai đoạn phát triển của tôm, nhưng bệnh thường xuất hiện nhiều nhất ở tháng đầu tiên khi lớp vỏ kitin của tôm bị tổn thương và hình thành các vết đen bị melanin hóa, ruột tôm không đầy thức ăn (chỉ khoảng 1/2), và gia tăng sự phát triển nhiều tế bào sắc tố (Hình 1).

Hình 1: Tôm thẻ tiền trưởng thành bị nhiễm bệnh Taura với các vết tổn thương bị melanin hóa trên thân

Biểu hiện mô bệnh học của bệnh Taura bao gồm hoại tử ở lớp biểu mô, các mô liên kết và cơ vân. Các tế bào bị ảnh hưởng thường có nhân bị tổn thương và giảm kích thước (Hình 2). Do lớp biểu mô bị tổn thương, tôm không thể lột xác thành công và thường chết trong lúc lột xác. Chỉ khi nào lớp biểu mô được phục hồi thì tôm mới có thể sống sót trong quá trình lột xác. 

Xử lý hay “điều trị” bệnh Taura

Ngay sau khi phát hiện tôm chết do Taura, việc làm đầu tiên là ngăn chặn tôm lột xác bằng cách giảm tỷ lệ cho ăn, duy trì pH > 8.0, không được thay nước, sụt khí liên tục và tối đa để duy trì chất lượng nước tốt nhất. 

Ngưng cho ăn có thể kích thích tôm lột xác, do đó giảm tỷ lệ cho ăn tối đa chỉ đủ để tôm duy trì sự sống được khuyến cáo. Trong trường hợp tỷ lệ tôm chết quá cao thì cần ngưng cho tôm ăn trong những ngày đó.

Giá trị pH thấp (< 8.0) là một trong những yếu tố kích thích tôm lột xác. Sử dụng vôi để duy trì pH > 8.0 có thể kiểm soát tỷ lệ tôm chết do bệnh Taura. Ngoài ra, sau những trận mưa lớn cũng làm cho tôm lột xác nhiều hơn do nó làm giảm pH, điều này cũng làm cho tỷ lệ chết của tôm cao hơn khi tôm đang nhiễm bệnh Taura. Bệnh Taura cũng có liên quan đến độ mặn. Khi độ mặn thấp tôm cũng chết nhiều hơn do hàm lượng khoáng chất trong nước thấp làm ảnh hưởng đến quá trình lột xác của tôm.  

Tôm chết cần được loại bỏ hàng ngày để duy trì chất lượng nước và tránh lây nhiễm bệnh do tôm khỏe ăn tôm chết. Không được sử dụng hóa chất hay kháng sinh trong khi tôm nhiễm bệnh Taura. 

Các phương pháp xử lý khi bệnh Taura bùng phát mô tả ở trên được áp dụng tại trang trại nuôi tôm thâm canh ở đảo Naozhou, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc vào năm 2009, kết quả cho thấy có sự khác biệt có ý nghĩa so với ao nuôi có áp dụng các biện pháp xử lý khi bệnh bùng phát và ao đối chứng (Bảng 1). 

Bảng 1: Tóm tắt tỷ lệ sống trung bình của tôm nhiễm TSV ở ao nuôi có xử lý và ao đối chứng

Ghi chú: 1: Kết quả từ 3 ao/nghiệm thức (N=3); 2: Tỷ lệ chết của tôm tăng cao vì pH giảm do bão Parma gây mưa lớn vài ngày trước khi thu hoạch. Control: ao đối chứng; TSV-T: ao có xử lý; Area: diện tích ao (hecta); Density: mật độ tôm nuôi (con/m2); Harvest: sản lượng thu hoạch (kg); Yield: năng suất (kg/hecta); Wt: trọng lượng tôm trung bình (g); Survival: tỷ lệ sống (%); FCR: hệ số chuyển đổi thức ăn; Time: thời gian nuôi (ngày)

Tiếp tục quá trình xử lý cho đến khi tôm ngừng chết. Sau khi tôm ngừng chết 4-5 ngày, có thể nâng cao tỷ lệ thức ăn cho tôm ăn và có thể thay nước. Tôm phục hồi sau bệnh có các “vết sẹo” trên vỏ kitin do TSV gây ra (Hình 3). Sau một vài lần lột xác, các “sẹo” này sẽ hết hoàn toàn. 

Hình 2: Tôm phục hồi sau khi nhiễm bệnh Taura. Các “vết sẹo” còn lại trên vỏ kitin sau khi tôm khỏi bệnh và lột xác lần đầu tiên 

Kết luận

Có nhiều quốc gia nuôi tôm chưa sản xuất được dòng tôm thẻ chân trắng có khả năng đề kháng bệnh Taura. Phương pháp xử lý khi bệnh Taura trên tôm trình bày trong bài viết này có thể giúp người nuôi tôm giảm thiệt hại. Các phương pháp xử lý này có thể làm giảm ảnh hưởng của bệnh Taura trên tôm nuôi thâm canh ở Thái Lan và Trung Quốc và góp phần vào nuôi tôm bền vững trong tương lai.  

Triệu Thanh Tuấn, www.aquanetviet.org

Source: Carlos A. Ching and Chalor Limsuwan. Description of a treatment for the control of Taura syndrome virus in Litopenaeus vannamei under intensive culture. NICOVITA.