Phương pháp mới kiểm soát dịch bệnh EMS/AHPND trên tôm nuôi

Một dịch bệnh mới trên tôm được phát hiện gần đây có tên là “Hội chứng tôm chết sớm” (EMS) hay “Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính” (AHPND) lần đầu tiên được báo cáo trên tôm nuôi tại Trung Quốc vào năm 2010 và sau đó ở các nước khác như Việt Nam, Thái Lan và Malaysia. Dịch bệnh EMS/AHPND thường ảnh hưởng đến tôm nuôi sau khi thả giống khoảng 20-30 ngày và có thể gây chết đến 100%. Liên Minh Nuôi trồng Thủy sản Toàn cầu đã ước tính thiệt hại do dịch bệnh này gây ra cho ngành công nghiệp nuôi tôm khoảng 1 tỷ USD. Tác nhân gây bệnh được báo cáo là do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus. Cho đến nay, nguyên nhân gây bệnh này được mô tả duy nhất một loài vi khuẩn có khả năng gây nên EMS/AHPND. Một giải pháp để khắc phục và hạn chế dịch bệnh này là điều vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa biết được rõ ràng là có phải chỉ do một chủng vi khuẩn V. parahaemolyticus gây nên EMS/AHPND hay do nhiều chủng vi khuẩn gây nên. Do đó, một phương pháp kiểm soát sự hiện diện của tất cả các nhóm vi khuẩn thuộc giống Vibrio trong ao nuôi sẽ có cơ hội giảm được bệnh EMS/AHPND cao nhất. 

Chúng tôi cho rằng giải pháp khử trùng đáy ao và nước ao nuôi tôm để diệt vi khuẩn gây nên EMS/AHPND sẽ góp phần vào việc lan truyền dịch bệnh này chứ không phải kiểm soát nó, và một giải pháp quản lý hệ vi sinh vật trong ao nuôi tôm mới là chìa khóa của vấn đề trong việc giảm thiểu những rủi ro của dịch bệnh EMS/AHPND. Chúng tôi đề xuất thả giống tôm trong một môi trường đã được làm giàu bởi hệ vi sinh vật (ví dụ như môi trường nước xanh có nhiều vi tảo hay môi trường có nhiều vi sinh vật có lợi) nhằm hạn chế sự phát triển của các vi sinh vật có hại thuộc nhóm Vibrio nhờ vào khả năng cạnh tranh tự nhiên của chúng với nhau trong môi trường, điều này có thể đảm bảo tốt nhất trong việc giảm thiểu những rủi ro do dịch bệnh EMS/AHPND.

Hình – Nước xanh (greenwater) với quần thể tảo chiếm ưu thế

Việc sử dụng các hóa chất khử trùng để tiêu diệt các mầm bệnh tiềm năng trong ao trước khi thả giống sẽ làm xáo trộn hệ vi sinh vật trong ao nuôi và điều này sẽ gây hại nhiều hơn là có lợi. Việc gia tăng sự tích tụ các chất dinh dưỡng trong ao nuôi sau khi khử trùng kết hợp với hệ vi sinh vật nghèo nàn (do chúng bị tiêu diệt bởi hóa chất) sẽ làm giảm sự cạnh tranh đối với nhóm vi khuẩn có hại như Vibrio spp. Hoạt động diệt khuẩn trước khi thả giống tôm này vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm vi khuẩn có hại phát triển dễ dàng trong ao nuôi và làm gia tăng khả năng bùng phát dịch bệnh EMS/AHPND trên tôm. Trong thực tế, chúng ta đã học được một bài học tương tự đối với nhóm vi khuẩn Vibrio gây bệnh phát sáng vào những năm 1990. Bệnh này có nguyên nhân là do vi khuẩn Vibrio harveyi và các loài vi khuẩn khác có liên quan thuộc giống Vibrio. Bệnh phát sáng trên tôm thường xuất hiện khoảng 10-45 ngày sau khi thả giống. Sự bùng phát của dịch bệnh này có nguyên nhân là do sự gia tăng đáng kể của nhóm vi khuẩn Vibrio trong nước, do sự tích tụ dinh dưỡng trong ao tăng lên khi cho tôm ăn và không còn các vi sinh vật khác để cạnh tranh về môi trường sống hay dinh dưỡng với chúng.   

Năm vừa qua, các giải pháp kiểm soát dịch bệnh EMS/AHPND chủ yếu dựa trên các kinh nghiệm sản xuất thực tế, và đã được thảo luận ở nhiều các cuộc hội thảo, hội nghị chuyên ngành. Ví dụ như, người ta nhận thấy bệnh EMS/AHPND thường không xuất hiện ở những ao nuôi có nhiều động vật giáp xác chân chèo (copepod). Sự hiện diện của nhóm copepod trong ao cho thấy đây là một hệ sinh thái ổn định và bền vững, vì nhóm động vật giáp xác này thường ăn vi khuẩn và các nhóm vi tảo trong ao. Ngoài ra, việc sử dụng công nghệ nuôi nước xanh (greenwater, hệ thống nuôi tảo chiếm ưu thế) cũng có tỷ lệ bùng phát dịch bệnh EMS/AHPND ở mức độ thấp. Hệ thống nước xanh, được đặc trưng bởi một hệ sinh thái đã “trưởng thành” bởi sự hiện diện của các nhóm vi tảo và quần thể vi khuẩn. Trong môi trường này, mật độ vi khuẩn thuộc nhóm Vibrio giảm thấp so với đối chứng và tỷ lệ chết của tôm giảm trong những nghiên cứu trước đó. Có nhiều cơ chế để giải thích cho vấn đề này như, do tảo sản xuất ra các hợp chất có khả năng kháng khuẩn và các hợp chất có khả năng ức chế các gen sản xinh ra độc tố trong môi trường nước xanh. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng các vi khuẩn có liên quan đến các vi tảo cũng không nên bỏ qua, như là việc chúng có thể cạnh tranh dinh dưỡng với các vi khuẩn gây bệnh và sản xuất ra các hợp chất có khả năng ảnh hưởng đến sự tồn tại và/hoặc hoạt động của các tác nhân gây bệnh.

Nước có màu hơi nâu của hệ thống vi sinh vật chiếm ưu thế (microbially matured water systems)

Tương tự như công nghệ nước xanh, hệ thống nuôi với quần thể vi sinh vật chiếm ưu thế có thể giảm thiểu sự phát triển của và hiện diện của các tác nhân gây bệnh trong hệ thống nuôi. Sự “trưởng thành” của quần thể vi khuẩn (microbial maturity) trong nước có thể được mô tả dựa trên lý thuyết về sự chọn lựa của hệ sinh thái được đặc trưng bởi hệ số r/K. Một hệ vi khuẩn trưởng thành được đặc trưng bởi sự thống trị của các vi khuẩn phát triển chậm và ổn định, với một nguồn cung cấp chất dinh dưỡng hạn chế cho mỗi loại vi khuẩn, và gọi là hệ số K. Một đại lượng đặc trưng cho khả năng tạo ra các “không gian” trống để các nhóm vi khuẩn khác phát triển nhanh chóng gọi là hệ số r, bao gồm nhiều nhóm vi khuẩn gây bệnh như Vibrio ssp. Như vậy, khi hệ số K càng lớn trong ao nuôi thì khả năng giảm thiểu nhóm vi khuẩn gây bệnh EMS/AHPND trong ao nuôi tôm càng lớn. Việc quản lý ao nuôi để làm tăng hệ số K có liên quan đến việc giảm thiểu sự thay đổi đột ngột của mức độ dinh dưỡng trong nước nuôi, nhằm đảm bảo việc cung cấp dinh dưỡng cho mỗi loại vi khuẩn ở mức thấp, ổn định và liên tục để giữ đặc tính cạnh canh giữa các nhóm vi khuẩn với nhau trong ao. Do đó, trong trường hợp khử trùng ao nuôi, chúng ta phải bổ sung hệ vi sinh vật có lợi trong ao trước khi thả giống tôm nhằm làm giảm hệ số r và từ đó giảm thiểu sự phát triển của nhóm vi khuẩn gây bệnh trong ao nuôi.

Một điều cần phải nhấn mạnh trong cách tiếp cận này là nhằm ngăn chặn mầm bệnh EMS/AHPND chứ không phải chữa bệnh EMS/AHPND khi tôm đã bị nhiễm bệnh. Trong trường hợp chữa bệnh EMS/AHPND, chúng ta nên phát triển và ứng dụng các kỹ thuật có ảnh hưởng thấp nhất đến hệ sinh thái ao nuôi, nhất là quần thể vi sinh vật. Cuối cùng, chúng ta phải chắc chắn một điều là phải chọn con giống không mang mầm bệnh EMS/AHPND trước khi thả nuôi. 

Kết luận: sự bùng phát dịch bệnh EMS/AHPND trong thời gian gần đây đặt ra yêu cầu cúng ta cần phải xem xét một cách nghiêm túc các giải pháp kiểm soát dịch bệnh trong nuôi tôm thâm canh. Chúng tôi cho rằng giải pháp kiểm soát hệ vi sinh vật trong ao là cực kỳ quan trọng, nhưng phần lớn đang bị bỏ quên, mặc dù nó là một yếu tố quan trọng trong giải quyết vấn đề dịch bệnh EMS/AHPND trên tôm.

>> Việc sử dụng thuốc kháng sinh và các chất khử trùng trong ao nuôi có khả năng tiêu diệt các nhóm vi khuẩn gây bệnh và đồng thời chúng cũng tiêu diệt cả hệ vi sinh vật có lợi trong ao, điều này đặt ra yêu cầu phải có những giải pháp thay thế hợp lý để bảo vệ quần thể vi sinh vật có lợi trong ao nuôi. “Liệu pháp ức chế độc lực” (Antivirulence therapy) như là việc làm ức chế sự biểu hiện của gen gây độc lực của vi khuẩn thay vì giết chết chúng là một giải pháp đầy hứa hẹn. Trong thời gian gần đây, chúng tôi có báo cáo về việc sử dụng các hợp chất có tác dụng ức chế khả năng phân hủy phân tử tín hiệu Quorum Sensing đã có tác dụng giảm thiểu đáng kể tỷ lệ chết của tôm càng xanh giống cảm nhiễm mầm bệnh V. harveyi so với đối chứng. Ngoài ra, sử dụng những tác nhân sinh học chỉ hoạt động tại vị trí chịu ảnh hưởng của mầm bệnh trên cơ thể động vật (ví dụ như: ruột) cũng được xem xét và phát triển. Poly-beta-hydroxybutyrata là một ví dụ về một hợp chất tự nhiên có thể can thiệp vào quá trình chuyển hóa năng lượng của các tế bào của vi sinh vật gây bệnh, và nó đã được chứng minh là có khả năng kiểm soát vi khuẩn Vibrio trong ruột của tôm càng xanh giống. Tuy nhiên, thật không may mắn, các giải pháp điều trị bệnh vẫn còn đang trong giai đoạn nghiên cứu.                

Nguồn: Triệu Thanh Tuấn, www.aquanetviet.org
Source: De Schryver P, Defoirdt T, Sorgeloos P (2014) Early Mortality Syndrome Outbreaks: A Microbial Management Issue in Shrimp Farming? PLoS Pathog 10(4): e1003919. doi:10.1371/journal.ppat.1003919